Chiến thắng kép của người Nhật tại World Cup

Không nghi ngờ gì nữa, cho đến giờ phút này Nhật Bản là đội tuyển thành công nhất của bóng đá châu Á tại World Cup 2018 với 4 điểm sau hai trận.
Báo Nhật đưa ảnh một nữ cổ động viên Senegal cùng gom rác sau trận đấu với Nhật
Đặc biệt, hai đối thủ mà họ gặp phải đều không phải dạng vừa. Một đến từ Nam Mỹ - Colombia, luôn được xem ở một đẳng cấp cao hơn bóng đá châu Á. Thứ hai, hòa Senegal trên thế thắng.
Đây là một đội bóng mạnh của châu Phi, một vùng đất mà tạo hóa đã ban cho họ những lợi thế kinh khủng về thể hình, thể lực, sự dẻo dai. Chúng ta cứ nhìn một bước chân của cầu thủ Senegal bằng 1,5 bước chân của cầu thủ Nhật mới thấy các tuyển thủ đến từ xứ mặt trời mọc phải nỗ lực kinh khủng như thế nào.
Để hòng san bằng khoảng cách thể hình, thể lực, các tuyển thủ Nhật đã phải guồng chân với tần số cao hơn, phải lăn xả hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, điều cốt tử để đánh giá một nền bóng đá có phát triển hay không là kỹ - chiến thuật của từng cầu thủ và tập thể.
Xét về khía cạnh này, người Nhật không hề thua kém ở khâu kỹ thuật cá nhân. Những pha giữ bóng, đi bóng của họ đã chứng minh điều đó. Riêng về chiến thuật thôi họ ăn đứt Senegal.
Tôi không muốn dông dài về những chuyện trên sân bóng World Cup của tuyển Nhật Bản, bởi ai cũng thấy, cũng xem và cũng nghe hết rồi. Trong bài viết này tôi muốn kể về một chuyện khác, một chiến thắng ngoài sân cỏ mà người Nhật đang hết sức tự hào.
Chiều nay 26-6, một người bạn tên Huỳnh Huy Tuệ (anh này là người Việt nhưng mang quốc tịch Nhật, đang làm điều phối viên cho tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á - Nhật Bản) gởi cho tôi xem một đường link báo chí Nhật Bản đang hết sức hạnh phúc về một hình ảnh diễn ra trên khán đài, ngay sau khi kết thúc trận Nhật - Senegal 2-2.
Đó là tấm ảnh chụp một nữ cổ động viên Senegal đi gom rác cùng các cổ động viên Nhật Bản.
Tờ báo Nhật viết: Ngay trong lần đầu tiên đội tuyển Nhật Bản có mặt tại vòng chung kết World Cup 1998 tại Pháp, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng với hình ảnh sau các trận đấu, cổ động viên Nhật Bản luôn nán trở lại để thu lượm rác trên khán đài cho vào những chiếc túi to màu xanh.
Thậm chí ở những lễ hội trên đường phố để ủng hộ đội nhà trên đất Pháp, cũng không bao giờ thấy có cọng rác nào xuất hiện ở nơi các cổ động viên Nhật Bản hiện diện. Ngày ấy, một nhóm cổ động viên Nhật với tên gọi là "UltraSnippon" đã khởi xướng chuyện này và thật sự tạo ra một hình ảnh rất đẹp cho World cup.
Kể từ đó, với việc đã có mặt thường xuyên hơn ở vòng chung kết World Cup, hành động của nhóm "UltraSnippon" ngày càng lan tỏa.
Như trong trận đấu Nhật Bản - Senegal, cổ động viên hai bên đều cuồng nhiệt vì đội bóng của mình. Nhưng khi kết thúc trận đấu, thấy người Nhật tạm ngưng cơn phấn khích với hai bàn gỡ hòa tuyệt đẹp của đội nhà mà lao vào việc đi dọn rác trên khán đài; ngay lập tức các cổ động viên Senegal cũng xông vào cuộc, nhận lấy những chiếc túi màu xanh từ CĐV Nhật và đi nhặt rác.
Bác sĩ Nedbu Seek (50 tuổi) - một cổ động viên Senegal - nói với báo Nhật rằng: "Biết là có nhân viên thu gom chất thải nhưng đólà rác do chúng ta xả ra, vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm dọn và việc dọn dẹp trả lại khán đài sạch sẽ nhanh hơn. Tôi thật sự nhận được một bài học từ các bạn Nhật Bản".
Tự mình dọn rác ở khán đài World Cup nói riêng, ở mọi nơi chốn công cộng nói chung, đã trở thành một biểu tượng thể hiện như một đức tính cao đẹp của người Nhật và thật vui là đang lan tỏa đi muôn nơi.
Cách đây không lâu, chúng ta từng cảm động khi chứng kiến cảnh CĐV Việt Nam cũng chủ động đi nhặt rác trên khán đài, sau trận chung kết U-23 châu Á trên đất Trung Quốc.
Hình ảnh ấy thật sự ấn tượng, chỉ có điều giá mà nó diễn ra thường xuyên hơn đối với tất cả con người Việt Nam, ngay trên đất Việt Nam như người Nhật đã làm cho đất nước họ thì tuyệt biết bao!
Nhân câu chuyện này, Huỳnh Huy Tuệ còn giảng cho tôi nghe một chuyện thú vị: Ở Nhật, người ta gọi những việc làm đẹp đẽ như thế này là "mỹ đức". Ví dụ dạy cho con mỹ đức có nghĩa là dạy cho con làm những điều hay lẽ phải.
Nhưng, điều hay lẽ phải đó là hành động cụ thể chứ không hô hào suông. Trong đó, "mỹ" có nghĩa là đẹp và "đức" có nghĩa là đạo đức. Người Nhật cũng có từ đạo đức, nhưng họ không chuộng vì cho rằng ý nghĩa của nó khô khan, không hướng tới cái đẹp hiện hữu, dễ thấy; khó đi vào lòng người hơn nên họ ưa thích từ mỹ đức hơn.
Tôi nghĩ đây là một câu chuyện đáng cho chúng ta suy ngẫm trong mùa World Cup này.

Nhận xét